Hơn 20 nền kinh tế thành viên APEC bàn về Kế hoạch hành động chiến lược giáo dục
Ngày 11/5/2017, trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao APEC 2 – SOM 2 APEC, Hội thảo về Kế hoạch Hành động chiến lược giáo dục APEC đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Ngày 11/5/2017, trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao APEC 2 – SOM 2 APEC, Hội thảo về Kế hoạch Hành động chiến lược giáo dục APEC đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Cuộc họp có sự tham dự của hơn 60 đại diện Bộ Giáo dục đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, các nhà giáo dục, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và đại diện của các tổ chức quốc tế như UNESCO, APRU, WISE ...
Đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, đồng chủ trì cuộc họp cùng Điều phối viên nhóm EDNET.
Nội dung chính của cuộc họp nhằm xây dựng Kế hoạch hành động của APEC trong lĩnh vực giáo dục, dựa trên Chiến lược Giáo dục APEC đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục APEC lần thứ 6 tại Peru năm 2016.
Kế hoạch hành động sẽ tập trung vào ba mục tiêu chính:
Thứ nhất, tăng cường và gắn kết năng lực với nhu cầu của cá nhân, xã hội và kinh tế.
Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới công nghệ.
Thứ ba, tăng cường khả năng tìm kiếm việc làm.
Mục tiêu của APEC là đến năm 2030, các nền kinh tế thành viên sẽ liên kết cùng nhau tạo dựng cộng đồng giáo dục trong khu vực APEC phát triển mạnh mẽ và gắn kết, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, phúc lợi xã hội.
Tại cuộc họp, đại diện của các nền kinh tế gồm: Việt Nam, Thái Lan, Liên bang Nga, Chile, Ôxtrâylia đã chia sẻ quan điểm, cách nhìn nhận của mình để lý giải nhu cầu hợp tác về giáo dục trong khuôn khổ Chiến lược giáo dục của APEC, những xu thế và sáng kiến có thể vận dụng trong lĩnh vực giáo dục cũng như phương thức để hiện thực hóa các đề xuất của Chiến lược giáo dục vào việc đổi mới giáo dục của các nền kinh tế thành viên.
Chile và Nga đã đưa ra các ví dụ cụ thể về quốc tế hóa đào tạo tại các trường đại học của mình. Phía Việt Nam cũng đã giới thiệu một số cải cách trong giáo dục của mình và phân tích sự tương đồng cải cách giáo dục của Việt nam và Chiến lược giáo dục APEC.