10 nhóm kỹ năng sống cần thiết cho khối học sinh THCS
Trẻ em ngày nay được ví von như gà công nghiệp vì thiếu những kỹ năng sống cần thiết như cách giao tiếp ứng xử, hợp tác và chia sẻ, tự tin trước đám đông,... Vậy làm thế nào để giúp con rèn luyện những kỹ năng ấy? Tham khảo bài sau.
Trẻ em không chỉ cần người lớn cho ăn ngon, mặc đẹp. Trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ, việc được quan tâm, bồi dưỡng về mặt tinh thần đôi khi quan trọng hơn nhiều so với vật chất. Ngay cả khi bạn có thể thuê cho con mình những gia sư, giáo viên tốt nhất, thì việc có bố mẹ quan tâm, chia sẻ, định hướng là không thể thiếu đối với sự trưởng thành của trẻ. Việc định hướng này sẽ quyết định 60-70% sự thành công và tính cách của trẻ sau này.
Học sinh THCS (12-16 tuổi) là lứa tuổi có nhiều thay đổi mạnh mẽ về thể chất, sức khỏe và tâm sinh lý. Tuổi dậy thì các em dễ thay đổi tình cảm, hành vi, chóng vui chóng buồn. Dưới đây là những kỹ năng sống cần thiết cho học sinh trung học cơ sở.
10 nhóm kỹ năng sống cần thiết cho khối học sinh THCS
1- Kỹ năng tự phục vụ bản thân
2- Kỹ năng xác lập mục tiêu cuộc đời
3- Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả
4- Kỹ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc
5- Kỹ năng tự nhận thức và đánh giá bản thân
6- Kỹ năng giao tiếp và ứng xử
7- Kỹ năng hợp tác và chia sẻ
8- Kỹ năng thể hiện tự tin trước đám đông
9- Kỹ năng đối diện và ứng phó khó khăn trong cuộc sống
10- Kỹ năng đánh giá người khác.
Mâu thuẫn giữa ý muốn thoát khỏi sự giám sát của bố mẹ, muốn khẳng định mình trong gia đình lẫn ngoài xã hội với ý thức “các em vẫn còn là trẻ con” trong suy nghĩ của các bậc cha mẹ, thầy cô đã nảy sinh những xung đột mà các em chưa được trang bị kỹ năng cần thiết để ứng phó và giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phạm pháp ở thanh thiếu niên, đặc biệt ở độ tuổi THCS, ngày càng gia tăng đến mức độ đáng báo động trong xã hội.
Kỹ năng sống cần trang bị cho lứa tuổi thiếu niên là những kỹ năng nào?
Thật bất ngờ khi có sự khác biệt giữa danh mục chọn lựa các kỹ năng sống giữa học sinh và các chuyên gia cùng các thầy cô đang giảng dạy tại bậc THCS. Tuy nhiên, sự khác biệt này là do sự sắp xếp mức độ quan trọng của các kỹ năng theo thứ tự ưu tiên. Kết hợp 10 nhóm kỹ năng sống cần thiết cho học sinh THCS (do các nhà nghiên cứu, quản lý, giáo viên thiết lập) và kết quả khảo sát những kỹ năng được học sinh cho là cần thiết với các em, đề tài tập trung nghiên cứu bốn nhóm kỹ năng mềm thiết yếu dành cho học sinh:
(1) Nhóm kỹ năng tự nhận thức bản thân (tổ chức trò chơi Tôi là ai trong giờ sinh hoạt giáo viên chủ nhiệm).
(2) Nhóm kỹ năng giao tiếp ứng xử (cách giao tiếp trong môi trường học đường, với bố mẹ, người lớn tuổi).
(3) Kỹ năng hợp tác và chia sẻ (bài tập kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết xung đột trong học đường).
(4) Nhóm kỹ năng phân biệt hành vi hợp lý và chưa hợp lý (phân biệt hành vi dũng cảm và liều mạng, hành vi yêu thương và lạm dụng tình dục...).
Hầu hết đề tài nghiên cứu trước đây đều có chung nhận định: học sinh thời nay năng động, tự tin, mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình và thường có mức yêu cầu cao đối với bản thân. Kết quả nghiên cứu cho thấy các em bước đầu hình thành những quan niệm cơ bản về kỹ năng sống, phần đông nhận thức được kỹ năng sống là hành vi con người thể hiện khi ứng phó với những tình huống diễn ra trong cuộc sống, dựa trên những phẩm chất tâm lý và kinh nghiệm cá nhân.
Bên cạnh đó, các em cũng nhận định được nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu kỹ năng sống là do chưa có sự hòa hợp trong giao tiếp giữa các em với cha mẹ, thầy cô. Đồng thời cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống, quan niệm sống từ bạn bè cùng lớp, cùng trường và từ các phương tiện thông tin đại chúng (mạng Internet, báo chí, diễn đàn...).
Tuy nhiên, chỉ mới dừng ở việc nhận thức, đa số học sinh vẫn chưa tiếp cận được những biện pháp rèn luyện để hình thành kỹ năng sống. Điều này cần sự nỗ lực từ nhiều phía: gia đình, nhà trường và chính bản thân học sinh.
Rèn luyện kỹ năng sống cho con bằng cách nào?
Như đã nói ở trên, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ là một quá trình lâu dài cần sự hợp tác giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, các bậc cha mẹ cỏ thể định hướng cho con những kỹ năng sống cần thiết qua phương pháp của người Nhật sau đây.
1. Không áp đặt trẻ
Việc áp đặt trẻ là một phương pháp dạy con không khoa học chút nào. Bạn cứ thử nghĩ xem, khi có ai áp đặt lên bạn một điều gì đó, cũng giống như ép buộc bạn làm việc gì đó thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, và nếu phải làm thì cũng làm cho qua và chống đối.
Hãy để trẻ phát triển một cách tự nhiên. Nếu bé học những môn mà bé yêu thích thì hãy đầu tư để giúp bé có thể thể hiện khả năng và những thế mạnh của mình. Bạn không thể ép buộc trẻ làm những việc mà bạn thích, như thế sẽ hoàn toàn làm kìm hãm sự phát triển trí tuệ của bé.
2. Tự lập
Những bà mẹ người Nhật rất chú trọng vào việc dạy dỗ con cái của mình. Tự lập là một trong những kỹ năng sống không thể thiếu. Dạy trẻ tự lập theo độ tuổi rất được cha mẹ Nhật chú trọng rèn cho con. Đầu tiên là thói quen ngủ sớm dậy sớm, thói quen ăn uống tốt. 1 tuổi rưỡi khi bé bắt đầu muốn tự xúc sẽ để bé tập xúc, khi ăn không xem tivi, không đi rong. Cho đến 3 tuổi sẽ tự biết làm những việc liên quan đến vệ sinh cá nhân, thay đồ, biết dọn dẹp đồ mình bày ra.
Cũng từ tầm 3 tuổi sẽ tích cực dạy trẻ giúp việc nhà phù hợp với khả năng. Bởi vì thông qua từng việc nhỏ ấy sẽ nuôi dưỡng cho trẻ sự tự tin, tinh thần tự chủ và yêu lao động, suy nghĩ tích cực, đồng thời trẻ sẽ học hỏi cho mình cách giải quyết vấn đề. Chính việc cho trẻ tự làm việc nhà, tôn trọng mong muốn của trẻ chính là cơ hội tuyệt vời rèn luyện kỹ năng sống tích cực cho trẻ.
3. Cho bé trải nghiệm và làm quen với môi trường bên ngoài ngay khi còn nhỏ
Ở Việt Nam, chúng ta thường có thói quen, khi một đứa trẻ sinh ra, thì sau ít nhất 3 tháng, thậm chí còn lâu hơn mới được bế ra ngoài, nhưng phải bum kín người sợ ánh nắng mặt trời chiếu vào vì kiêng kỵ nhiều thứ. Có lẽ nhiều người Việt Nam sẽ thắc mắc khi biết rằng, ở Nhật trẻ mới 2 tháng tuổi đã được bế đi dạo để cảm nhận khí trời buổi sớm, hay trẻ tầm 3-4 tháng trở đi mà cha mẹ cứ để bé đầu trần, được mẹ địu dưới cái nóng bức, dưới cái rét mùa đông, dưới cái mưa nhẹ mà chẳng cần mũ.
Người Nhật làm thế chỉ đơn giản vì muốn cho trẻ tiếp xúc và làm quen với môi trường thiên nhiên ngay từ nhỏ giống như một cách giúp tăng sức đề kháng. Họ sẽ không ngại nếu con mình bị ốm, vì như thế sẽ cho bé làm quen và thích ứng với môi trường khắc nghiệt bên ngoài. Nhưng kết quả họ nhận được lại rất đáng ngạc nhiên đó là những đứa trẻ Nhật đều rất khỏe mạnh, rắn rỏi, rất ít ốm và luôn thích hoạt động ngoài trời.
Khi trẻ lớn dần lên chút nữa là cho trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, quan sát thiên nhiên để học hỏi. Để dạy trẻ biết trân trọng sự sống họ cho trẻ tập trồng hoa, trồng cây, nuôi thú hay hường xuyên dẫn đi các vùng ngoại ô để làm quen với động vật. Những dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ họ cho trẻ đi câu cá, nghịch ở sông, bắt ve bắt bướm.
4. Cho tập luyện thể thao từ nhỏ
Nếu sang Nhật bạn sẽ nhìn thấy những trung tâm giáo dục thể chất cho trẻ em từ độ tuổi rất nhỏ. Tầm khoảng 6, 7 tháng là trẻ có thể bắt đầu đi tập gym để nâng cao sức khỏe, để làm quen với các bạn khác cùng trang lứa. Điều này rất tốt khi bố mẹ muốn nâng cao kỹ năng mềm cho bé ngay từ nhỏ vì khi được tiếp xúc với xã hội bên ngoài từ nhỏ, được nói chuyện với người lạ, lớn lên bé sẽ tự tin hơn.
5. Coi trọng giáo dục đạo đức trong gia đình
Văn hóa kính trên nhường dưới là kỹ năng sống rất phổ biến ở các nước châu Á kể cả ở Việt Nam. Nhưng ở Nhật họ đánh giá con người rất cao qua những hành vi đạo đức từ những hành động rất nhỏ. Chính vì thế, trong gia đình bố mẹ Nhật coi trọng giá trị đạo đức của các thành viên trong gia đình đặc biệt là khi giáo dục cho con trẻ. Vì khi trong gia đình, bé ngoan ngoãn lễ phép thì trong mối quan hệ với mọi người bên ngoài xã hội bé sẽ cũng làm như thế.
6. Lắng nghe và trò chuyện cùng con
Không có chuyện mẹ bảo con phải nghe ở Nhật vì họ học cách kiên nhẫn lắng nghe những suy nghĩ, những mong muốn nguyện vọng của con em mình. Sau đó bố mẹ sẽ giảng dạy nói cho bé những điều bé còn băn khoăn và chờ đến lúc bé phản kháng. Đây là một kỹ năng sống quan trọng nhất mà người Nhật dùng nó để giao tiếp cùng con. Không chặn họng khi con đang nói, không gạt phăng đi phản đối hay quát mắng khi con vừa mới nói ra ý kiến của mình. Thay vào đó hãy học cách kiềm chế bằng cách im lặng trong 6 giây đầu tiên để kìm nén cơn giận, sau đó mở rộng cách nhìn nhận để thừa nhận mong muốn và chủ kiến của con trước khi đưa ra ý kiến phản đối hoặc lời khuyên của mình cho con.
Với cách giải quyết như thế đã giúp xua tan đi xung đột không đáng có giữa cha mẹ và con cái. Những người Nhật học được từ gia đình mình cách ứng xử như này nên ra ngoài xã hội họ cũng đối xử với nhau nhẹ nhàng như vậy, tạo nên nét ứng xử tinh tế của riêng họ.
Kết luận:
Khi nhà trường chỉ chú trọng dạy văn hoá mà không quan tâm nhiều đến việc dạy kỹ năng sống cho trẻ. Trẻ dù học giỏi nhưng thụ động, không dám giao tiếp trước đám đông còn nguy hiểm hơn cả việc học dốt. Để không rơi vào tình trạng đó, các bậc phụ huynh cần chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho con mình ngay từ bây giờ bằng các phương pháp như trên hoặc có thể cho con tham gia các khóa học kỹ năng sống tại các trung tâm uy tín. Đầu tư vào kỹ năng sống cho con là sự đầu tư khôn ngoan và chúng tôi tin giá trị nhận về sẽ xứng đáng với công sức bạn bỏ ra.
Nguồn: Internet